Dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc - liệu có như truyền thông hay nói? [Part 1]
Gần trưa ngày tháng 6, trên tầng 8 của cái tháp văn phòng - cũ như di tích khảo cổ - mình đọc xong cái báo cáo ngành thứ năm về bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Tính cả tối hôm trước thì đã là cái báo cáo thứ chín, cùng với vài chục bài báo - phân tích của truyền thông nước nhà. Có một câu chuyện mà mọi người đã kể rất nhiều, khi nói về bất động sản công nghiệp - đó là làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Và lý do chính cho xu hướng ấy (theo nhiều người) là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Mới hơn thì là chính sách Zero Covid của chính phủ Trung Quốc.
Đương nhiên cái này không có gì phải bàn. Ai cũng thấy. Nhưng đặt ngược câu hỏi này. Hiện tại nội các của tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Dân chủ đang có ý định gỡ bỏ các lớp thuế mà chính quyền trước đã nhắm vào Trung Quốc. Để kiềm chế lạm phát ấy mà. Vậy thì dân tình sản xuất - gia công - chế biến chế tạo lại quay xe trở lại Trung Quốc sao?
Zero Covid cũng vậy. Đến khi chính sách chống dịch được thay đổi, và Trung Quốc vã vào mồm phương Tây một phát số liệu tăng trưởng GDP quý tầm hai chữ số chẳng hạn - làm giới truyền thông “tự do” đang cười cợt phải nín - thì làn sóng dịch chuyển ngừng lại sao?
Túm lại có vẻ như “Chiến tranh thương mại” và “Zero Covid” chỉ là hai lý do mang tính thời điểm. Và yếu tố thời điểm khó lòng đẩy các nhà máy quy mô công nghiệp ra khỏi ngôi nhà thân thương suốt 3 thập niên qua.
Mình tin rằng có hai lý do quan trọng hơn (mang tính phát triển, bền vững và không đảo ngược) khiến Trung Quốc dần không còn thích hợp là đại công xưởng thế giới.
Chi phí nhân công tăng cao.
Chiến lược kinh tế xanh.
Chi phí nhân công tăng cao.
Trong gần ba thập niên từ 1990 đến 2018, Trung Quốc với lực lượng lao động phổ thông khổng lồ luôn là điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp toàn cầu bởi chi phí nhân công rẻ. Tuy nhiên tốc độ tăng chi phí nhân công ngành sản xuất của Trung Quốc là rất cao.
Lương trung bình theo năm của nhân công ngành sản xuất Trung Quốc (CNY)
(Nguồn: Trading Economics / National Bureau of Statistics of China)
Mức lương trung bình năm của nhân công ngành sản xuất Trung Quốc đã tăng từ 597 CNY (1978) lên 92,459 CNY (2021) - tương ứng với mức tăng 15,400%. Con số 92,459 CNY năm 2021 (tương ứng 13,791 USD) của Trung Quốc đã vượt tất cả các quốc gia Mỹ Latinh (trừ Chile) và sắp bắt kịp với Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Đây là xu thế tất yếu khi chi phí lao động của Trung Quốc đang dần bắt kịp với thế giới.
Để so sánh, mức lương trung bình năm của công nhân ngành sản xuất Việt Nam năm 2021 là 4,050 USD (chỉ bằng 30% so với Trung Quốc).
2. Chiến lược kinh tế xanh
Trung Quốc đã đi sau các nước phương Tây khi loài người bắt đầu sử dụng điện. Họ cũng chậm hơn thế giới khi lần lượt các công nghệ sản xuất điện tiên tiến ra đời. Nhưng với năng lượng tái tạo, hiện tại vị thế của Trung Quốc là đủ để dẫn đầu cuộc chơi này.
Những quốc gia dẫn đầu về công suất lắp đặt năng lượng tái tạo năm 2021
(Nguồn: STATISTA)
Như các bạn thấy, chơi một mình.
Tuy nhiên, cơ cấu năng lượng Trung Quốc chưa “xanh”.
(Nguồn: Vietnambiz)
Nhiệt điện và thủy điện vẫn đang gánh còng lưng ngành năng lượng Trung Quốc. Nhất là ông nhiệt điện - kẻ thù số 1 của môi trường.
Mục tiêu cơ cấu năng lượng năm 2025 là tương đối thách thức (ảnh dưới).
(Nguồn: Bruno Venditti - via Visual Capitalist)
Còn mục tiêu cơ cấu năng lượng 2060 thì xa như đường vào trái tim em.
(Nguồn: Bruno Venditti - via Visual Capitalist)
Câu chuyện rút ra ở đây là gì?
Đầu tiên, mình tin rằng Trung Quốc thực sự quyết tâm trong chiến lược kinh tế xanh. Đã qua rồi cái thời đất nước tỷ dân phải chấp nhận đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Chủ tịch Tập Cận Bình - người ở gần cuối đoạn đường - muốn để lại một di sản mang dấu ấn cá nhân mình. Và dù không còn nắm quyền lực tuyệt đối như thời gian trước, nhưng vẫn đủ để ông áp chiến lược kinh tế xanh vào con đường Trung Quốc sẽ đi trong vài chục năm tới.
OK đó là chiến lược. Vậy tại sao lại có khủng hoảng năng lượng 2021? Trong khi số liệu về nhập khẩu than và tổng sản lượng điện cung cấp không suy giảm? Thậm chí số liệu về nhu cầu sử dụng điện không hề tăng vọt như truyền thông đánh giá.
Cứ theo số liệu thì “Cầu không tăng, cung không giảm”. Điện biến đi đâu mất rồi?
Các bạn đọc bài báo này để thấy rõ hơn về số liệu. Tác giả research cẩn thận và phân tích sắc. Nhưng phần giả thiết lý do thì chưa phải ý của mình.
Xin phép đặt ra 1 giả thiết khác cho nguyên nhân.
Mình tin rằng trong năm 2021 chính phủ Trung Quốc đã có một cuộc thử nghiệm năng lực cung cấp điện từ năng lượng tái tạo của quốc gia. Cơ cấu điện được dồn gánh sang các nguồn “xanh” và dúi đầu nhiệt điện.
Kết quả là fail.
Có thể là Trung Quốc quá tự tin, nhưng cũng có thể họ dũng cảm. Dũng cảm để thử nghiệm và chấp nhận cái giá tương đối đắt nhằm hướng đến tương lai.
Hy sinh đời bố củng cố đời con chăng?
Chúng ta cũng có thể thấy năng lượng tái tạo là những công nghệ mà con người chưa thể hoàn toàn làm chủ. Nó bất ổn, chi phí cao hơn và dễ tổn thương trước các tác nhân ngắn hạn. Các bạn có thể tham khảo nhiều tài liệu chuyên sâu về lĩnh vực năng lượng để thấy điều này.
Bao giờ Trung Quốc thực hiện được tham vọng? Mình không rõ. 5, 10, hay 20 năm nữa chăng? Nhưng quả thực công nghệ năng lượng tái tạo còn một chặng đường xa để thay thế được các nguồn từ nhiên liệu hóa thạch.
Quá dài và quá bất định với các doanh nghiệp. Có khi là cả vòng đời doanh nghiệp.
Họ không chờ được, và nếu có lỳ đòn thì cũng không chịu nổi chi phí điện quá cao từ nguồn năng lượng tái tạo (chính phủ đâu thể bù lỗ control giá điện mãi).
Bùm. Và di cư.
…..
Hết phần 1. Phần 2 mình sẽ nói trả lời câu hỏi: Liệu Việt Nam hay các nước ĐNÁ khác có thể thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới trong tương lai gần?